NỘI DUNG BÀI VIẾT
Trẻ cung Mọc Sư Tử ở giai đoạn thiếu nhi đã bộc lộ rất rõ nét tính cách mạnh mẽ, thích khẳng định cái tôi. Đến tuổi dậy thì, những đặc điểm đó càng “bùng nổ” mạnh mẽ hơn. Đầu tiên, lòng tự tôn quá cao là một nguồn áp lực lớn đối với cha mẹ. Ngay cả sự trêu đùa vô ý của phụ huynh, như “Con chạy chậm thế nhỉ!”, cũng có thể khiến bé Mọc Sư Tử cảm thấy bị coi thường. Lúc còn nhỏ, bé có thể giận dỗi, buồn bã, ngồi thu mình một góc. Đến tuổi dậy thì, mức độ nhạy cảm tăng lên: con có thể “ghim” hoặc phản ứng dữ dội hơn, cho rằng “không ai tôn trọng” mình. Ba mẹ có thể bối rối khi thấy con giận quá mức với những câu nói tưởng như rất vô hại. Đối với con, thay vì nói “Con làm chậm quá” hay “Con dở quá”, bạn hãy chuyển thành “Mẹ thấy con đang gặp chút khó khăn, cần hỗ trợ không?” Cách dùng từ nhẹ nhàng giúp con cảm thấy được tôn trọng. Nếu bé giận dữ, hãy cho bé biết “Mẹ hiểu con đang buồn vì bị chê. Con có muốn chia sẻ thêm không?” Điều này khiến con thấy an toàn để bày tỏ. Bạn không cần tránh góp ý hoàn toàn, mà nên nói một cách xây dựng, kèm lời công nhận nỗ lực: “Hôm nay con vẽ sáng tạo đấy, nhưng mình thử sửa chỗ này một chút xem đẹp hơn không?”. Hãy cố gắng tạo môi trường khen – chê công bằng đối với con.
Song hành với lòng tự tôn cao là mong muốn được chú ý, khao khát nổi bật. Ngay từ tuổi mẫu giáo, một bé Mọc Sư Tử có thể thích khoe đồ chơi, muốn được đứng đầu hàng trong mọi hoạt động. Ở tuổi dậy thì, nỗi khao khát này càng trở nên mãnh liệt hơn: con có thể ghen tị nếu bạn bè tỏa sáng hơn, hoặc tỏ ra bất mãn nếu thầy cô không ghi nhận sự cố gắng của mình.. Đồng thời bạn hãy cho bé cơ hội thể hiện an toàn, như khuyến khích con tham gia câu lạc bộ văn nghệ, lớp MC, hoặc tổ chức những buổi “biểu diễn mini” tại nhà. Làm như vậy con được “xả” nhu cầu tỏa sáng lành mạnh. Khi con muốn nổi bật, nghĩa là con cần sự khen ngợi. Hãy dành lời khen cho một hành động cụ thể của con, như “Ba rất ấn tượng với cách con chuẩn bị slide thuyết trình” thay vì chỉ nói “Con giỏi lắm”. Quan trong hơn cả là nhắc con rằng thành công của nhóm cũng là thành công của con, giúp bé học cách tỏa sáng cùng mọi người, tránh “độc chiếm” hào quang.
Ngoài ra, trẻ Mọc Sư Tử còn dễ “làm quá” (hay còn gọi là “drama”). Ở giai đoạn thiếu nhi, bé có thể biến một mâu thuẫn nho nhỏ với anh chị em thành “chuyện động trời”. Lên tuổi dậy thì, tính kịch tính này càng lớn: bất kỳ xung đột bạn bè, điểm số không như ý, thậm chí việc ai đó quên khen quần áo mới của con cũng có thể được con “phóng đại”. Bạn có thể phải chứng kiến những cơn bộc phát cảm xúc của một cung Lửa như “Con ghét hết thảy!”, “Không ai thương con cả!”, “Con muốn bỏ học!”… Dù chỉ là phút bốc đồng, nhưng nó đủ khiến gia đình rối bời. Vào lúc này, bạn hãy hướng dẫn con nhận biết cảm xúc. Bạn có thể gợi ý bé dùng những câu như “Con đang rất giận vì…” hoặc “Con cảm thấy tổn thương vì…” để gọi tên đúng cảm xúc. Khi con biết gọi tên, con sẽ ít “nâng tầm” vấn đề lên. Nếu con đang gào khóc, la hét, bạn cố gắng giữ bình tĩnh để con thấy mình không bị “tấn công” thêm. Sau khi con hạ nhiệt, mới nhẹ nhàng đề nghị: “Mình thử ngồi xuống nói chuyện kỹ hơn nhé?”
Sự bướng bỉnh, cứng đầu của con có thể là một thách thức nan giải. Ở tuổi thiếu nhi, bé có thể thường xuyên tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Cha mẹ đề nghị thay đổi một chi tiết nhỏ như cách sắp xếp phòng, bé cũng có thể phản đối quyết liệt vì không thích bị ra lệnh.
Một khía cạnh khác chính là khả năng “ghim” khi con cảm thấy bị phản bội hoặc tổn thương lòng tự tôn. Ở độ tuổi 7-8, con sẽ giận bạn bè rất lâu nếu cảm thấy bị “chơi xấu”. Đến tuổi dậy thì, con lại càng rạch ròi trong chuyện “ai ủng hộ mình, ai làm mình mất mặt”. Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa bạn và con, nhất là khi con đang ở giai đoạn tuổi teen vốn đầy mâu thuẫn nội tâm.
Một khó khăn khác không thể bỏ qua là khuynh hướng “lười vận động” khi thiếu động lực. Cung Mọc Sư Tử thiên về cảm hứng và sự tỏa sáng, nên nếu thấy hoạt động nào không hấp dẫn hay không đem lại “vinh quang”, trẻ có thể lảng tránh. Ở giai đoạn thiếu nhi, bé “mau chán” bài tập, sẵn sàng bỏ dở giữa chừng. Cha mẹ có thể bị phàn nàn liên tục từ giáo viên về việc “con thiếu tập trung, không nộp đủ bài”. Sang tuổi dậy thì, khi áp lực học hành cao hơn, con sẽ càng dễ bộc lộ tính chây lười hoặc chỉ học cầm chừng. Không ít cha mẹ cảm thấy bất lực, vì con tỏ ra xuất sắc trong những việc con thích (như ca hát, tổ chức sự kiện), nhưng cực kỳ thiếu kiên nhẫn với những nhiệm vụ “không hấp dẫn” (như học Toán hoặc Lý thuyết khô khan). Bạn hãy thiết lập mục tiêu cụ thể, chia thành bước nhỏ. Thay vì chỉ nói “Con phải học giỏi Toán”, bạn có thể đề xuất “Mình đặt mục tiêu làm 10 bài toán mỗi tối, xong mẹ kiểm tra – con sẽ được 1 dấu sao.” Con thấy rõ chặng đường, và có động lực vì có “phần thưởng” nho nhỏ. Đồng thời bạn có thể khuyến khích “lên sân khấu” đúng lúc. Nếu con cần khích lệ, có thể mời thành viên gia đình “xem” con hoàn thành một dự án thủ công hay bài thuyết trình. Sự cổ vũ, vỗ tay nhỏ cũng tiếp thêm tinh thần cho bé. Hãy ghi nhận tiến bộ đúng lúc để giúp bé không bỏ cuộc.
Trong giao tiếp với bạn bè, tâm lý “cái tôi” lớn của trẻ Mọc Sư Tử càng dễ dẫn đến xung đột. Ở tuổi tiểu học, con có thể gạt bạn ra khỏi nhóm nếu bạn không “nhường” con vị trí dẫn đầu. Lên trung học, các mâu thuẫn không còn giản đơn nữa: chúng liên quan đến lòng ghen tị, ganh đua, “cạnh tranh ngôi sao” trong lớp. Trẻ Mọc Sư Tử dễ rơi vào những “drama” tập thể, căng thẳng kéo dài. Tâm lý “cái tôi” lớn trong quan hệ bạn bè sẽ khiến những mâu thuẫn này khi dạy thì có thể phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý lẫn thành tích học tập. Bạn hãy gợi ý con “thảo luận” thay vì “đấu tranh”. Nếu con tức giận, bạn hãy khuyên con nói chuyện trực tiếp để giải thích khúc mắc, thay vì “nói xấu” hay công kích lẫn nhau. Hãy nhắc con về một tình bạn lâu dài. Ở tuổi teen, con khó nghĩ xa. Bạn có thể khơi gợi: “Con muốn có bạn lâu dài hay chỉ nhất thời?” để con hiểu tầm quan trọng của tình bạn bền vững.
Những lưu ý quan trọng:
Trẻ Mọc Sư Tử tự hào về “cái tôi” mạnh mẽ, dễ bị tổn thương nếu cảm thấy bị coi thường. Thay vì né tránh, hãy giao tiếp cởi mở và trung thực trong gia đình, giúp con tự tin giãi bày những dồn nén, bực bội. Trong bối cảnh một “sư tử con” luôn bận bịu với “tư thế oai phong”, bạn càng cần chủ động tạo ra những “phiên trao đổi” đều đặn. Bạn có thể tổ chức “tối chủ nhật trò chuyện” – nơi cả nhà ngồi lại với nhau, chia sẻ từ chuyện vui ở trường đến những lo lắng hay mâu thuẫn. Trẻ cung Mọc Sư Tử thích nói ra cảm xúc của mình (miễn là được tôn trọng). Bạn cũng khuyến khích con lắng nghe người khác thay vì chỉ độc thoại. Qua đó, con hiểu rằng giao tiếp không phải lúc nào cũng xoay quanh việc “mình tỏa sáng”, mà còn là sự tương tác hai chiều để xây dựng tin cậy.
Nếu con phạm sai lầm hay bị bạn bè trêu chọc, khuyến khích con “xả” thẳng vào cuộc trò chuyện: “Tại sao con thấy giận dữ? Con muốn bố mẹ làm gì?”… Rồi bạn phản hồi nhẹ nhàng, trung thực, không chê bai “Con làm to chuyện quá”. Bé nghe vậy sẽ cảm nhận rằng bạn tôn trọng lòng tự tôn của con. Từ đó, con cởi mở hơn, tránh tích tụ ấm ức dẫn tới “gầm gừ” hoặc im lặng xa lánh.
Bản năng của Sư Tử trong chiêm tinh học là “động vật săn mồi”: chúng chỉ khỏe, chỉ “lên ngôi” khi biết tự lực cánh sinh. Do đó, nuôi dạy trẻ cung Mọc Sư Tử thường gắn liền với việc tạo thử thách để con “tự kiếm con mồi”. Nếu bạn lúc nào cũng bảo bọc, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu, con sẽ quen dựa dẫm, khó phát huy năng lực thật sự. Trái lại, nếu “thả rông” quá sớm mà không có sự chỉ dẫn, bé dễ bị tổn thương, rồi trở nên khép kín hoặc hoang mang trước thế giới. Cách phù hợp là đặt ra “cột mốc”: ví dụ, bé muốn mua một món đồ đắt, hãy khuyến khích con làm việc nhà, tích góp tiền tiết kiệm. Chẳng hạn, giao bé nhiệm vụ tưới cây mỗi ngày, bỏ ống heo từ tiền thưởng, đến đủ số tiền thì con có thể sở hữu món đồ kia. Sau khi chinh phục được, bé sẽ rất hãnh diện, đồng thời rút ra bài học giá trị: “Muốn có thì phải nỗ lực”. Bài học ấy còn quan trọng hơn chính món đồ kia, vì nó xây dựng sự tự lập sau này.
Bên cạnh đó, một trong những “bài học đắt giá” khi trưởng thành là tầm quan trọng của khả năng phục hồi khi đối diện thất bại. Với bé Mọc Sư Tử, thất bại có thể là “cơn ác mộng”, vì lòng tự trọng cao khiến con dễ buồn, dễ xấu hổ. Thế nhưng, con sẽ chẳng thể trưởng thành nếu luôn được bảo bọc, “che chắn” khỏi mọi rủi ro. Bạn cần khuyến khích con dám thử, dù đó là thi đấu thể thao, đăng ký tiết mục văn nghệ hay tham gia cuộc thi kiến thức. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng con có thể rớt vòng loại, thua trận đấu, hay làm hỏng tiết mục múa… và khi ấy, con càng cần bạn “chắp vá” và động viên để hiểu: “Thất bại chỉ là một phần tất yếu trên hành trình học hỏi”. Khi con thất bại, bạn đừng vội an ủi với câu nói “không sao đâu, lỗi do may rủi thôi”. Thay vào đó, bạn gợi ý con phân tích nguyên nhân: “Con đã ôn bài đủ chưa?”, “Con có tập luyện nghiêm túc trước trận không?”… Hướng con đến góc nhìn thực tế thay vì đổ lỗi hoặc đắm chìm trong tự ti. Quan trọng hơn, đừng “giải cứu” con khỏi mọi khó khăn. Nếu con lỡ đăng ký tham gia CLB nhưng chán nản giữa chừng, bạn có thể gợi ý: “Con muốn từ bỏ hay tiếp tục? Lựa chọn thế nào cũng có hậu quả riêng.” Từ đó con học được bài học “chịu trách nhiệm” cho những cam kết, đồng thời rèn luyện tinh thần tự lực.
Tóm lại, nuôi dạy trẻ con cung Mọc Sư Tử từ thiếu nhi đến dậy thì là một hành trình đầy chông gai và cũng là quá trình cha mẹ tự trưởng thành. Bạn học cách uyển chuyển giữa tình yêu thương và kỷ luật, giữa bao bọc và trao quyền, giữa lắng nghe con và nhắc con lắng nghe chính mình. Không có công thức cố định nào; điều cốt yếu là bạn thấu hiểu con: Con muốn được nhìn nhận? Hãy cho con cơ hội chịu trách nhiệm. Con sợ sai lầm? Hãy để con vấp ngã và học hỏi. Con thích sự tự do? Hãy dạy con kỷ luật bản thân để tận dụng tối đa sự tự do ấy.
Trong đoạn viết này, tôi muốn trình bày góc nhìn sâu và rộng hơn độ tuổi trẻ đang xem xét dành cho những phụ huynh muốn hiểu việc nuôi dạy theo chiều sâu của việc hình thành nhân cách con người. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập giới hạn, kỷ luật và trách nhiệm để trẻ phát triển một cách lành mạnh nhưng vẫn giữ được tinh thần khám phá, sáng tạo. Tiền đề trọng tâm của những phân tích xoay quanh đối cực dương – âm, được hiểu trong phạm vi như sự trật tự - hỗn loạn. Những kiến thức này không phải do tôi phát hiện ra, tôi chỉ học hỏi của những người đi trước và kết nối, trình bày lại dưới góc nhìn cá nhân.
- Trật tự (dương) đại diện cho những gì đã biết, ổn định, quen thuộc và an toàn. Ở đây, con người cảm thấy an tâm, ít bị đe dọa bởi yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, nếu quá nhiều trật tự, con người có thể rơi vào trạng thái bế tắc, nhàm chán, thậm chí là “độc đoán” (về mặt xã hội hay cá nhân).
- Hỗn loạn (âm) đại diện cho những gì chưa biết, không thể đoán trước, tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng mang lại cơ hội để phát triển, sáng tạo. Tuy nhiên, nếu con người phải đối diện với quá nhiều hỗn loạn, sẽ cảm thấy lo âu, mất phương hướng, thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Cuộc sống ý nghĩa diễn ra ở ranh giới giữa trật tự và hỗn loạn. Nếu ở quá sâu trong “vùng an toàn” thì không có chỗ cho đổi mới hay tiến bộ. Ngược lại, nếu dấn thân quá sâu vào sự hỗn loạn con người có nguy cơ mất kiểm soát, dễ bị những điều bất trắc “nuốt chửng.”
Mỗi cung mọc trẻ em sẽ có 1 số khó khăn đặc trưng và theo 1 xu hướng nhất định. Khi hiểu được các đặc điểm này, bạn có thể có cách ứng xử nhất quán trong mỗi tình huống dù bối cảnh có thể khác nhau. Các giải pháp rất đa dạng, những điểm được trình bày ở bài viết trên chủ yếu để cụ thể hoá nhằm tham khảo dễ dàng hơn. Cha mẹ là những người thầy cô đầu tiên của con. Vì vậy, miễn rằng bạn để tâm và quan sát, cũng như cố gắng đồng hành cùng con trong các giai đoạn phát triển, bạn sẽ tìm ra cách để linh hoạt từng tình huống dựa trên sự hiểu biết nền tảng cơ bản về tâm lý sẵn có. Làm cha mẹ trong bối cảnh xã hội hiện tại là vô cùng khó khăn và việc học để hiểu thật rõ những điều mình gặp phải mới có thể khiến chúng ta không sợ hãi. Và nếu bạn là một người cha, người mẹ đơn thân đang nuôi con, ngồi trong góc phòng nước mắt tuôn rơi vì bất lực khi nuôi dạy con tuổi dạy thì, không có ai bên cạnh và ngày mai vẫn phải thức dạy sớm vì gánh nặng miếng cơm manh áo. Xin gửi tới bạn sự chia sẻ sâu sắc và mong rằng nếu bạn có ghé qua trang web, những thông tin ở đây sẽ giúp bạn được ít nhiều.
BÚT TRẮNG
ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM